Kết quả thực hiện sau Thành Đô Hội nghị Thành Đô

Quân sự

Sau hội nghị, Việt Nam rút quân ra khỏi Campuchia. Trung Quốc cũng rút quân khỏi một số khu vực tại biên giới 2 nước. Các xung đột quân sự tại biên giới Việt Nam - Trung Quốc cũng chấm dứt.

Vấn đề Campuchia

Theo BBC, Bắc Kinh đã tiết lộ băng ghi âm cho thấy các nhà lãnh đạo Việt Nam đồng ý để cho lực lượng chống Hun Sen trong chính phủ liên minh mới chiếm ưu thế. Điều này đồng nghĩa với việc Hà Nội chấp nhận rút hẳn khỏi Campuchia. Từ đó Campuchia dần xa rời Việt Nam.[12] Khi xem xét lại, đây chủ yếu là do sức ép của quốc tế do các quốc gia lớn dẫn đầu nêu trong Liên Hợp Quốc về việc họ cho là "Việt Nam xâm lược Campuchia "

Trao đổi thương mại và nối lại ngoại giao

Ngày 5 Tháng 11, 1991, tức hơn một năm sau cuộc họp ở Thành Đô, Đỗ Mười, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt NamVõ Văn Kiệt, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đến thăm Trung Quốc. Ngày 7 Tháng 11, 1991, hiệp định mậu dịch Trung - Việt và hiệp định tạm thời về việc xử lý công việc biên giới hai nước được ký tại Nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh. Quan hệ Trung - Việt dần trở lại bình thường.

Theo nhà phân tích ngoại giao Carl Thayer thì Việt Nam muốn tạo một liên minh quân sự giữa Bắc Kinh và Hà Nội nhưng đề nghị này bị Bắc Kinh bác bỏ. Lập trường của Bắc Kinh là hai nước có thể là "đồng chí nhưng không phải đồng minh".[13] Ngược lại Bắc Kinh đòi Hà Nội phải đồng ý cho hồi hương người Hoa, nhượng bộ lãnh thổ, và hoàn trả những khoản nợ trước kia. Phía Việt Nam không chấp nhận những yêu cầu đó.[13]

Trong khuôn khổ bang giao Việt - Trung thì tháng 2 năm 1999, lãnh đạo Trung - Việt lại công bố "Tuyên bố chung", xác định phát triển quan hệ hai nước trong thế kỷ mới, nội dung có thể tóm lại thành 16 chữ vàng: "ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu hảo, hợp tác toàn diện".

Sau hội nghị, quan hệ ngoại thương giữa 2 nước được nối lại. Từ đầu thập niên 1990 tới nay, Trung Quốc luôn là khách hàng ngoại thương số 1 của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác số 1 của Trung Quốc tại vùng Đông Nam Á. Lãnh đạo 2 nước khẳng định quan hệ ngoại thương đã tiến triển rất nhanh, đem lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế của cả hai đất nước.

Lập trường đối ngoại của Việt Nam

Theo Trần Quang Cơ, nguyên Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao, "kết quả được ghi lại trong một văn bản gọi là "Biên bản tóm tắt" gồm 8 điểm. Khi nghiên cứu biên bản 8 điểm đó, chúng tôi nhận thấy có tới 7 điểm nói về vấn đề Campuchia, chỉ có 1 điểm nói về cải thiện quan hệ giữa hai nước mà thực chất chỉ là nhắc lại lập trường cũ Trung Quốc gắn việc giải quyết vấn đề Campuchia với bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong 7 điểm về Campuchia, 2 điểm là những điểm có tính chất chung về mặt quốc tế mà 2 bên đang còn tranh cãi (giải pháp chính trị toàn diện cho vấn đề Campuchia; rút hết quân Việt Nam ở Campuchia có dẫn chứng), còn 5 điểm thì hoàn toàn là đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc."[14]

Mặt khác Việt Nam cũng nỗ lực giao hảo với các nước lân bang trong khối ASEANphương Tây cho dù Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1992 vẫn đặt ưu tiên vào các nước cộng sản chủ nghĩa và coi Trung Quốc, Cuba, Triều TiênLào là những nước bạn thân hơn cả.[15] Tuy vậy theo nhận xét của Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang dựa trên lịch sử Trung-Xô, Việt-Trung, và Việt-Miên thì kỳ vọng chấm dứt xung đột vì chung ý thức hệ là không thể xảy ra, vì những quốc gia kể trên tuy chung khối Xã hội chủ nghĩa nhưng vẫn có những mâu thuẫn dẫn tới xung đột.[16]

Sau khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, theo đúng như dự đoán của Việt Nam, tại Hoa Kỳ, phe ủng hộ quan điểm muốn bình thường hóa với Việt Nam cũng thắng thế. Ngày 29/9/1990, chỉ 3 tuần sau Hội nghị Thành Đô, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch gặp gỡ Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ James Baker tại New York. Ngày 11/11/1991, Chính phủ Hoa Kỳ chính thức cho phép khách du lịch, cựu chiến binh, nhà báo, doanh nhân Hoa Kỳ thăm Việt Nam. Ngày 11/7/1995, Tổng thống Mỹ Bill ClintonThủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Chính sách đối nội

Về mặt đối nội lịch sử, chính quyền Việt Nam kể từ sau Hội nghị Thành Đô không nhắc nhiều đến Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979 nữa.[16] Truyền thông không loan tin nhiều về cuộc chiến, những hy sinh của những người đã nằm xuống cũng ít được nhắc tới.[17] Về phía Trung Quốc, cuộc chiến hầu như không còn được nhắc đến trong các phương tiện truyền thông đại chúng, không được nói đến trong sách giáo khoa lịch sử ở Trung Quốc[18] Tại Trung Quốc, các phương tiện truyền thông gần như lãng quên nó, các tuyển tập bài hát không còn in các ca khúc nói về cuộc chiến, sách nghiên cứu viết về cuộc chiến với Việt Nam bị từ chối xuất bản, đa số cựu chiến binh từng tham gia cuộc chiến không muốn nhắc đến nó.[18]

Về phía Trung Quốc, việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam khiến một số tướng lĩnh, quân nhân từng tham chiến chống Việt Nam thấy khó chịu. Nhà văn quân đội Lý Tôn Bảo, tác giả cuốn “Vòng hoa dưới chân núi cao” viết về cuộc tấn công vào Việt Nam tháng 2/1979, phát biểu: “Xem tin Lý Bằng tiếp Võ Nguyên Giáp mà trong lòng tôi cảm thấy bứt rứt. Giờ đây chúng ta phải xem xét lại xem có gây ra cuộc chiến tranh đó không? Chẳng những phần lớn sĩ quan binh lính dưới đơn vị không thông ngay cả một số tướng lĩnh cao cấp cũng không thông nổi"[19].

Sửa đổi Hiến pháp

Hội nghị Thành Đô theo nhận xét của vài nhà chuyên môn thì đã tác động sâu rộng đến việc Việt Nam soạn lại cả hiến pháp.[20] Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1980 đích danh lên án "bọn bá quyền Trung Quốc xâm lược" nhưng Hiến pháp năm 1992 đã loại bỏ những câu từ mang tính chống Trung Quốc trong văn bản pháp lý của nhà nước.

Đàm phán biên giới

Sau hội nghị, do xung đột đã chấm dứt, Trung Quốc và Việt Nam bắt đầu tiến hành đàm phán để giải quyết vấn đề phân định biên giới. Hai bên đạt được các thỏa thận trên nguyên tắc vào năm 1993 để giải quyết các bất đồng, nhưng do sự thù địch giữa hai phía do cuộc chiến tranh 1979 để lại, cộng với cả một thập kỷ xung đột biên giới, khiến cho mãi tới năm 1999 hai bên mới đạt được những thỏa thuận cuối cùng.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hội nghị Thành Đô http://english.cpc.people.com.cn/66116/index9.html http://www.idcpc.org.cn/ziliao/tupian/ziliao/tupia... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/12/1512... http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/vi... http://query.nytimes.com/gst/fullpage.html?res=9B0... http://www.nytimes.com/2005/03/01/world/asia/01iht... http://vi.rfi.fr/viet-nam/20141014-ke-tu-hoi-nghi-... http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20140906-viet-nam-... http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/nguoi-my-da-... http://www.danluan.org/tin-tuc/20120301/bui-tin-ch...